Một cây đàn guitar đẳng cấp không những được thiết kế tinh tế, tỉ mỉ mà còn được chế tác từ những loại gỗ hàng đầu. Vì từng loại gỗ khác nhau sẽ tạo ra những âm sắc và dải tần khác nhau đó là lý do tại sao một số cây Guitar có âm thanh sáng hơn hoặc trầm hơn những cây Guitar khác.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại gỗ cơ bản để làm đàn guitar và từ đó bạn sẽ có cơ sở để chọn được một cây guitar ưng ý phù hợp với tầm tiền của mình nhé.
A. Gỗ làm mặt đàn Guitar:
I. Sitka Spruce (Gỗ thông Sitka):
Xuất xứ: Tây-Bắc Bắc Mỹ.
Đặc điểm: Sitka Spruce là loại gỗ chuẩn làm mặt đàn guitar ở kỷ nguyên hiện đại này. Tầm vực sử dụng (dynamic range) của nó rất rộng, mọi thể loại đều có thể dùng. Vân gỗ thường có mầu trắng hơi đục, vân cườm. Vân cườm càng nhiều thì gỗ càng có tuổi đời lâu năm.
Phạm vi sử dụng: Tất cả loại Guitar.
Ảnh sớ gỗ thông Sitka:
II. Adirondack Spruce:
Xuất xứ: Bắc Mỹ.
Đặc điểm: Adirondack Spruce còn có tên là Eastern Red Spruce hoặc Appalachian Spruce. Âm thanh hay hơn Sitka Spruce và có mức ngưỡng giới hạn âm lượng cao hơn, nên vang to hơn. Âm sắc các nốt rất ngọt ngào, đặc biệt các nốt ở tần số trung. Vân gỗ thường có sớ to, nhỏ không đều, mẫu vân, mầu sắc cũng không đều.
Phạm vi sử dụng: Tất cả loại Guitar.
Ảnh sớ gỗ Adirondack Spurce:
III. Engelmann Spruce:
Xuất xứ: Bắc Mỹ.
Đặc điểm: Engelmann Spruce còn có tên là Spruce Châu Âu hoặc Spruce Đức, mặc dù chúng là chủng loại khác biệt về mặt kỹ thuật. Spruce tốt loại này càng ngày càng hiếm. Hiện giờ ta thường thấy loại kém hơn (sớ gỗ không được song song, hơi vặn vẹo). Âm thanh chắc hơn ở tần số trung so với Sitka. Vân gỗ nhỏ,mịn, trắng hơn Sitka. Loại gỗ này cũng thường được dùng để làm đầu đàn guitar.
Phạm vi sử dụng: Tất cả loại Guitar.
Ảnh xớ gỗ Engelmann Spruce:
IV. Western Cedar (Gỗ Tuyết Tùng):
Xuất xứ: Tây Bắc Mỹ.
Đặc điểm: Western Cedar không chắc bằng Spruce, nhưng cho âm thanh dịu hơn, ấm hơn. Các âm thanh khi đàn nhẹ nghe to hơn, tuy nhiên khi đàn mạnh thì Cedar bị chạm ngưỡng giới hạn về âm lượng. Vân gỗ thường có mầu cam nhạt. Loại gỗ này cũng thường được dùng để làm đầu đàn guitar.
Phạm vi sử dụng: Thường dùng cho Guitar chơi theo phong cách như fingerstyle, classical.
Ảnh xớ gỗ Western Cadar:
B. Gỗ làm Lưng & Hông đàn Guitar:
Gỗ làm mặt lưng và hông đàn guitar, nhất quyết phải là gỗ cứng, loại gỗ mọc ở xứ nhiệt đới như Ấn độ, Châu Phi, Đông Nam Á, Nam Mỹ. Các loại gỗ làm back & side cũng vô cùng đa dạng. Mỗi loại lại cho ra một âm sắc khác nhau.
I. Dòng Guitar siêu cao cấp:
1. Brazilian Rosewood (Hồng sắc Brazil hay Cẩm lai Brazil):
Có họ hàng với Cẩm lai Ấn Độ và âm sắc cũng khá tương đồng. Brazilian Rosewood được nhiều nghệ sĩ guitar trên thế giới đánh giá là loại gỗ cho âm sắc hàng đầu trong các gỗ làm guitar. Tuy nhiên đã bị cấm khai thác do số lượng chỉ còn rất ít, vì vậy giá đàn làm bằng Cẩm lai Brazil cũng siêu cấp, đâu đó khoảng $60,000 cho model Martin D45 có back side Brazilian Rosewood.
Là loại gỗ được khai thác từ Mexico, có thể sánh ngang với Rosewood Brazil về chất lượng âm sắc, độ ấm và mầu sắc lộng lẫy. Âm trung ấm hơn và nối dài một phần về phía âm bass. Âm treble giống Koa, nhưng ấm hơn. Cocobolo có họ hàng gần với Mahogany hơn là Cẩm Lai vì vậy được xem là Mahogany của Mexico. Sử dụng được ở nhiều loại guitar. Dòng guitar cao cấp nhất của hãng Ibanez có back side làm bằng gỗ này có giá tầm $9,318.
3. Macassar Ebony (Gỗ Mun Indonesia):
Đàn guitar làm từ loại gỗ này cho âm thanh to, rõ ràng. Âm bass mạnh mẽ, âm trung trung bình, âm treble trong, rõ. Đáp ứng âm thanh sẽ cân bằng hơn khi kết hợp với gỗ mặt là Spruce hoặc Cedar. Loại gỗ này sử dụng được ở nhiều loại guitar. Nếu bạn nào để ý thì cây Lakewood đầu tiên của Sungha Jung (cây không có chữ kí, những cây có chữ kí sau này làm bằng Cẩm Lai Ấn Độ) làm bằng gỗ này và là dòng guitar cao nhất của hãng Lakewood, giá tầm $6,200.
II. Dòng Guitar cao cấp:
Hawaii Koa thường được nhiều người chơi guitar thích không chỉ vì vẻ đẹp bóng bẩy mà còn cho âm thanh tuyệt hảo. Hawaii Koa thường bị nhầm lẫn với Asian Koa, Philippine Koa và gỗ Điệp VN.
Giá một cây Hawaii Koa trên các Website nước ngoài là tầm $4,000, còn ở Việt nam thì tầm trên 15tr. Nhiều bạn thắc mắc tại sao ở Việt nam giá lại rẻ như vậy. Thật ra gỗ được đánh giá trên các thang C, B, A, AA, AAA, AAAA, AAAAA. Trong đó C là loại gỗ tầm 50 năm tuổi, B tầm 80 năm, A là 100 năm và AAAAA là cỡ 300 năm. Gỗ càng lâu năm thì âm sắc càng hay nhưng độ hay và giá tiền không tăng cùng một tỉ lệ đâu nhé. Như hình trên thì từ trái qua, 3 cây đầu tiên của nước ngoài bạn thấy không chỉ có vân dọc mà còn có vân ngang -> gỗ lâu năm, trong khi 2 cây cuối bên phải là làm ở Việt Nam, vân gỗ không nhiều bằng.
Các dòng Guitar của các hãng danh tiếng ở nước ngoài như Gibson, Ibanez… thường làm từ gỗ có tuổi từ 2A hoặc 3A trở lên. Tuy nhiên, bạn cũng không cần buồn vì dù cây đàn $6,200 như của Sungha Jung thì chắc chắn cũng không thể hay gấp 100 lần cây Guitar Poshman tầm 1,8tr mà Minh Mon review đâu. Lý do là phần lớn tai ta không phân biệt được những âm thanh có dải tần số gần nhau. Tất nhiên đàn xịn nó có khác nhưng với túi tiền Sinh viên thì cây Guitar Poshman này cũng là một lựa chọn khá tốt rồi.
2. Indian Rosewood (Hồng Sắc Ấn Độ hay Cẩm Lai Ấn Độ):
Nhiều bạn ngây ngô dịch từ Rose = Hồng và gán cho Cẩm Lai là Hồng Đào. Điều này SAI HOÀN TOÀN nhé. Vì Cẩm Lai Ấn Độ hơn hẳn Hồng Đào VN về mọi mặt (âm sắc và cả giá tiền).
Cẩm Lai Ấn Độ là loại gỗ được rất nhiều hãng guitar trên thế giới ưa chuộng với dải tần số rộng (Low/High range frequencies), cân bằng đồng đều từ âm Bass đến Treble, âm vang rất tốt. Giống như Madagascar Rosewood, các họ Rosewood có vùng Mid-range kém nổi trội hơn vùng Mid-range của Mahogany. Cẩm Lai Ấn Độ thường được dùng để làm Classical Guitar.
Như các bạn thấy ở hình minh họa phía trên, từ trái qua cây đầu tiên là Cẩm Lai Ấn Độ 300 năm tuổi (vân gỗ xoăn tự nhiên rất đẹp).
Loại gỗ đặc dày này được tìm thấy ở Mexico và thường được so sánh với Rosewood Brazil, phát ra âm sắc rất sâu không thể nhầm lẫn, tuy nhiên hoa văn bên ngoài đặc biệt trông giống lưới nhện làm cho Ziricote trở thành loại Gỗ có hoa văn độc nhất vô nhị.
Giá đàn làm từ gỗ Ziricote khá chát (tầm 14tr). Như hình này thì 3 cây guitar phía dưới là của Việt nam làm, từ trái qua phải lần lượt là 14tr, 5tr5.
4. Maple European (Gỗ Thích châu Âu):
Thường bị nhầm lẫn với Thao lao và Cồng cườm của Việt nam. Mặc dù Gỗ Thích có thể được làm cho các đàn Violin, nhưng những tính chất của nó cũng tạo ra những âm sắc rất tốt cho đàn Guitar. Gỗ thích có trọng lượng nhẹ, phát ra âm thanh rất trong, tươi sáng và có thể nghe phân biệt riêng từng nốt một.
Ta thường nghe tên 2 loại Flamed Maple và Big Leaf Maple. Thật ra là do cách xẻ cây gỗ mà có 2 loại trên, do vân gỗ khi xẻ theo mỗi cách sẽ thấy khác nhau. Gỗ Thích phân bố rất nhiều ở vùng Đông Bắc nước Mỹ hiện nay. Vân gỗ có ánh cườm, là loại thiết mộc chắc thịt. Dải tần số trung bình và cao, nổi trội âm treble, đanh, sáng như tia laser.
Thường được dùng làm đàn Guitar acoustic và guitar điện. Những cây ở hình minh họa trên đều là Flame maple, từ trái qua cây thứ 2, 3 giá 10tr, cây thứ 4 giá 5tr5, cây thứ 5 giá 4tr5.
Còn đây là Big Leaf Maple, như bạn thấy vân gỗ rất đặc trưng và dễ phân biệt.
Xuất xứ: Tây Phi nhiệt đới, là họ hàng nhà Rosewood.
Đáp ứng tần số rộng như Rosewood, nhưng nổi trội hơn một chút ở giải tần Mid-range.
Phạm vi sử dụng: được dùng để làm nhiều loại Guitar. Giá tầm 7tr.
Xuất xứ: Trung California.
Vân gỗ: vân cườm rất đẹp, là loại thiết mộc.
Đáp ứng tần số: Âm trung giống Mahogany nhưng ấm hơn. Âm treble giống Koa, nhưng ấm hơn.
Phạm vi sử dụng: Kết hợp với mặt gỗ Cedar thích hợp cho thể loại chơi Guitar fingerstyle.
III. Dòng Guitar trung cấp:
1. Mahogany (Gỗ Gụ hay Gỗ Dái Ngựa):
Thường bị nhầm lẫn với Hồng Đào Việt Nam (tên tiếng Anh là Nato). Mahogany là một trong những loại gỗ có âm sắc rất chắc chắn, cân bằng với tầng trung mạnh mẽ và thường được sử dụng làm mặt âm thanh chính cho đàn Guitar (Soundboard). Ngoài ra, cũng thường được sử dụng để làm đầu đàn.
2. Cồng Cườm và Thao Lao Cườm:
Thường bị nhầm lẫn với Maple, trong khi giá của Maple cao hơn từ 2 đến 3 lần. Loại gỗ này giá chỉ tầm 3tr, âm thanh đanh, sáng khá giống Maple. Hình trên từ trái qua phải lần lượt là Thao Lao Cườm, Cồng Cườm, European Maple.
Hay bị nhầm lẫn với Hawaii Koa, nhưng hai loại gỗ này chênh nhau 1 trời 1 vực về chất lượng và giá tiền. Ngoài ra, loại gỗ cũng khá khó phân biệt với Philippine Koa, Điệp Việt nam. Tầm giá cũng tầm tầm Philippine Koa khoảng 3tr5.
Koa xuất xứ từ Hawaii, là một loại gỗ rất đẹp. Koa tương tự như gỗ Gụ ở âm trebles và tầm trung. Gỗ Koa Hawaii là một trong những loài gỗ có âm sắc được tìm kiếm nhiều nhất. Không chỉ mang những nét hoa văn rất đẹp, Gỗ Koa còn phát ra âm sắc dày khá giống như Rosewood và Gỗ Thích (Maple).
Nhịp điệu và âm sắc rất tuyệt vời, tuy nhiên ở một số thiết kế lại cho âm sắc hơi mỏng. Âm thanh tốt nhất của đàn Guitar làm từ gỗ Koa khi được chơi ở dòng nhạc Rock. Gỗ Koa được dùng phổ biến với Guitar Ukulele Hawaii.
Như hình trên, là loại gỗ Philippine Koa, giá cũng tương đối tầm 3 – 3tr5, tuy nhiên khi đi kèm với mặt top chất lượng cao giá cũng khá chát. Hình trên từ trái qua phải là 6tr5 (top western red cedar), cây thứ 2 giá 4tr5 (Dáng Grand Concert mặt Sitka Spruve), cây thứ 3 y như cây thứ 1, cây thứ 4 giá 4tr5 (Dáng Grand Auditorium, mặt Sitka Spruce).
IV. Dòng Guitar phổ thông:
Mới du nhập vào Việt Nam và đang trong quá trình thử nghiệm. Chất âm cân bằng giữa treble và bass. Âm bass ấm và tiếng treble ngọt. Giá tầm 2tr8.
Là lựa chọn tốt nhất cho các bạn sinh viên, tính chất khá giống với Mahogany. Giá từ 900k – 2tr.
Hiện nay khá nhiều bạn khi mua đàn guitar thường rất ngại mua các loại đàn guitar làm từ gỗ ép. Vì các bạn thường nghĩ rằng đàn làm từ gỗ ép thì chất lượng không tốt, âm thanh không hay, không thể vỡ tiếng và rất nhanh hỏng.
Có lẽ bạn chưa hiểu đúng đàn guitar làm từ gỗ ép và gỗ ván ép khác nhau như thế nào. Hiện nay khá nhiều loại đàn guitar xuất hiện tại Việt Nam được làm từ gỗ ván ép chứ không phải gỗ ép. Tức là họ dùng loại gỗ công nghiệp được ép từ mùn cưa và gỗ tạp thành một loại gỗ có bề ngoài đẹp mắt nhưng bên trong lại có chất lượng khá kém, đặc biệt là khi gặp nước hoặc độ ẩm thấp thì chúng rất dễ bị nhả keo và mục nát. Âm thanh thì khá là tệ và các bạn vô hình chung đánh đồng loại guitar từ ván ép với các loại guitar làm từ gỗ ép.
Vậy gỗ ván ép thực ra là gì?
Gỗ ván ép (Plywood) thực chất là những miếng gỗ tạp tự nhiên có chất lượng không tốt được xẻ ra và ghép lại với nhau thành một miếng gỗ hoàn chỉnh chứ không phải là gỗ công nghiệp. Chúng được cấu tạo như sau:
- Ruột: gồm nhiều lớp gỗ mỏng được lạng từ khúc gỗ tròn rồi dán với nhau.
- Mặt: là lớp veneer
- Keo: dùng để dán các lớp gỗ, gồm có keo chịu nước (Phenolic hoặc Melamine), chống ẩm MR (Urea formaldehyde).
Gỗ ván ép trên thị trường Việt Nam được phân phẩm cấp không theo tiêu chuẩn thống nhất nào. Các tên gọi như AB, AC, BC, CD… (ván ép trong nước), AABB, BBCC.. (ván ép Trung Quốc) hoàn toàn là tiêu chuẩn riêng của nhà sản xuất.
Bạn nên biết rằng không phải gỗ ván ép nào cũng làm được đàn guitar đâu nhé. Người ta phải dùng một chuẩn nhất định để làm đàn guitar thì mới tạo ra tiếng đàn guitar đạt được độ chuẩn về âm thanh.
Gỗ ép (Laminate wood) làm đàn Guitar: Là loại gỗ 3 lớp, 2 lớp bên ngoài là những lớp gỗ thịt rất mỏng dán vào lõi, lõi là loại gỗ khác rẻ tiền hơn. Chất lượng gỗ laminate phụ thuộc vào việc chế tạo và xử lí.
Ưu điểm: cũng mang những tính chất âm như loại gỗ thịt tương ứng, nhưng không hay bằng, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, gia công dễ dàng, giá thành rẻ. Độ bám sơn, vecni cao có thể sơn nhiều màu, tạo sự đa dạng về màu sắc, dễ tạo dáng (cong) cho các sản phẩm cầu kỳ, uyển chuyển đa dạng, phong phú. Cách âm, cách nhiệt tốt. Quan trọng nhất là ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi độ ẩm và nhiệt độ.
Ưu điểm lớn nhất là tạo ra được các loại đàn guitar giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng một cách tuyệt vời.
Khuyết điểm: Gỗ laminate rất chắc chắn, tuy nhiên lại trở thành yếu điểm của nó khi các nhà sản xuất vẫn sao chép cấu trúc bracing (nan-giằng) của mặt solid top vào mặt laminate (vấn đề đồng bộ sản xuất) trong khi mặt laminate rắn hơn mặt solid. Điều này làm hạn chế độ rung của mặt laminate, giảm cộng hưởng. Lớp keo trong gỗ dán cũng làm giảm tone. Mặt laminate có thể cho âm thanh khá tốt khi chơi nhẹ nhưng khi chơi mạnh, tiếng đàn không còn rõ ràng (âm thanh của các dây không phân tách rõ, bị quện vào nhau).
Màu sơn dễ bị trầy xước, chịu nước kém và ít có khả năng vỡ tiếng, âm thanh không hay bằng đàn guitar làm từ gỗ thịt, độ bền không cao.
Add Comment