Có nhiều cách tập luyện với cây đàn Guitar của bạn, nhưng có rất nhiều người luyện tập không hiệu quả. Kết quả là họ dậm chân tại chỗ hoặc tệ hơn, đi lùi mặc dù thời gian tập luyện lớn. 10 bước dưới đây sẽ giúp bạn luyện tập hiệu quả hơn, và nếu bạn duy trì với nhịp độ đểu đặn, bạn sẽ thấy được sự tiến bộ.
Bước 1: Luyện tập và luyện tập không ngừng
Đây có vẻ như là một điều mà ai cũng biết, nhưng luyện tập thế nào mới là tốt? Chia nhỏ thời gian và luyện tập xuyên suốt cả ngày? Không! Hãy luyện tập với cường độ thời gian lớn (2-3 tiếng trở lên) và luyện tập không ngừng nghỉ (chỉ nên có những khoảng nghỉ ngắn độ 30 giây-1 phút) để tăng độ dai sức cho tay của bạn. Khi bạn có thể chơi liên tục trong 2 tiếng, thì 1 câu chạy ngón tốc độ cao chẳng là gì so với bạn nữa.
Bước 2: Nắm vững lý thuyết
Nhiều người chơi guitar, đặc biệt guitar hiện đại thời nay dựa quá nhiều vào tab, guitarPro và các công cụ hỗ trợ khác như youTube, thư viện hợp âm mà bỏ quên đi lý thuyết. Không chỉ lý thuyết về Guitar mà cả lý thuyết âm nhạc nói chung (nhạc lý, ký xướng âm) cũng rất quan trọng. Đặc biệt nếu sau này bạn xác định theo con đường chuyên nghiệp. Hãy dành thời gian để học lý thuyết nhé, điều này rất tốt cho bạn sau này.
Bước 3: Luyện kỹ thuật
Luyện kỹ thuật là điều khỏi phải bàn cãi. Hammer on, pull off, bend, slide, sweep, shred, slide,vv, tất cả đều là những kĩ thuật cần thiết cho một guitarist chuyên nghiệp. Hãy luyện kĩ thuật hàng ngày, và chỉ nên tập trung 1 kĩ thuật trong 1 buổi tập. Đừng quá tập trung vào 1 kĩ thuật mà bỏ bê các kĩ thuật khác.
Bước 4: Chạy âm giai và thang âm
Đa phần mọi người đều không thích chạy âm giai hay thang âm mà thích đánh những câu lick hay riff nổi tiếng hơn. Đó là một quan niệm sai lầm. Âm giai hay thang âm không chỉ giúp bạn nhớ được những nốt cần đánh khi solo, những hợp âm cần dùng khi đệm, mà nó còn giúp bạn tạo được cảm giác trên cần đàn. Với những câu chạy ngón tốc độ cao, chạy âm giai sẽ giúp bạn lướt phím tốt hơn rất nhiều. Hãy chạy từ những âm giai đơn giản như trưởng, thứ, ngoài ra thì bạn có thể chạy thêm những âm giai khác như ngũ cung hay âm giai dân ca.
Bước 5: LUÔN sử dụng metronome khi tập
Metronome khiến nhiều người khó chịu với tiếng tíc tắc đều đều của nó, đặc biệt ở tốc độ cao. Thế nhưng metronome lại là một trong những vật dụng hữu ích nhất trong tập luyện. Metronome không chỉ cho bạn biết bạn chơi đúng tốc độ và tiết tấu hay không, nó còn tăng khả năng cảm nhịp và tốc độ của bạn. Nếu bạn đã quen với việc chơi với metronome, thì sau này khi đánh band bạn sẽ không gặp vất vả làm quen với nhịp trống nữa.
Bước 6: Tự biết mình thích gì
Điều này nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn, nhưng nhiều người chơi bị ôm đồm quá nhiều thứ cho mình. Họ luyện tập quá nhiều kỹ thuật, quá nhiều thể loại cùng một lúc và mong sẽ đạt được thành tựu ở tất cả. Bạn không thể ăn quá nhiều khi bạn có 1 cái dạ dày nhỏ bé được. Bạn phải tự biết chọn cho mình thể loại mình thích (nhạc hiện đại, nhạc cổ điển, đệm hát, vv) và tập trung vào đó nhiều hơn các thể loại khác. Điều này cũng giúp bạn mua đồ cho mình tốt hơn và sử dụng hợp lý tài chính của mình hơn.
Bước 7: Có một ai đó để đặt mục tiêu
Bạn cũng nên có một ai đó làm mục tiêu cho chính mình. Không cần là một người nổi tiếng, đó có thể là thầy của bạn, hoặc anh học cùng lớp đàn vốn chơi đàn rất siêu, hay một ai đó giỏi guitar mà bạn biết. Có thể mục tiêu đó hơi xa vời (trong trường hợp đó là những người rất nổi tiếng) nhưng ai đánh thuế ước mơ chứ? Có một mục tiêu sẽ khiến bạn hăng say luyện tập hơn, và tạo cảm hứng cho bạn trong luyện tập nữa.
Bước 8: Đừng để những người chơi tốt hơn làm bạn tự ti
Rất nhiều bạn khi gặp những người chơi tốt hơn hẳn đã cảm thấy tự ti và không muốn tiếp tục luyện tập nữa, thậm chí muốn “đập đàn”. Đừng như vậy! Hãy để họ trở thành nguồn cảm hứng và động viên cho bạn để tiếp bước trên con đường luyện tập của mình.
Bước 9: Đừng sợ thể hiện mình
Có nhiều bạn khá sợ sai khi chơi đàn, đặc biệt khi chơi với band nhạc hoặc jam, nên thường tránh hoặc từ chối tham gia. Đây là một quan niệm sai lầm. Bạn có sai thì bạn mới có đúng. Hãy thể hiện mình một cách tự tin, hãy cho họ thấy bạn không tồi chút nào. Ngoài ra, đừng nên chỉ chăm chú đánh nốt, hãy thể hiện cảm xúc của bạn khi chơi, đặc biệt là trên sân khấu.
Bước 10: Đừng bao giờ bỏ cuộc
Nếu bạn tự nghi ngờ bản thân vì bất kì lý do gì thì cũng đừng bỏ cuộc. Bạn sẽ chơi tốt hơn nhiều nếu bạn bỏ thời gian, công sức và sử dụng 10 bước này. Nếu thực sự bạn không thích chơi guitar, có thể bạn không hợp với nhạc cụ này. Hãy thử tìm một nhạc cụ khác xem sao? Và đừng quên, giọng hát của bạn cũng là một nhạc cụ đấy.
Nếu bạn đang cảm thấy chán nản trong việc học guitar thì hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn sốc lại tinh thần và tiếp tục con đường chinh phục nó. Chúc các bạn học tập hiệu quả!
Đừng quên like và share bài viết giúp mình nhé!
Add Comment